Hội nghị tổng kết phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi giai đoạn 2011-2015
Lượt xem:
Ông Phạm Đăng Khoa- Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc Hội nghị: Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong tỉnh đã có những bước phát triển bền vững, đạt nhiều kết quả toàn diện và nổi bật. Một trong những sự phát triển ấy chính là những thành tựu đáng ghi nhận của bậc học Mầm non trong 5 năm thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.
Trong 5 năm qua, Ngành GDĐT đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành trong tỉnh và sự nghiêm túc thực hiện của các phòng giáo dục và chính quyền ở các địa phương. Có được những thành tựu này là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, các cơ quan đoàn thể trong tỉnh đã chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ đối với ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk.
Tại Hội nghị này, chúng ta sẽ đánh giá được một cách đầy đủ những thành tựu của ngành học Mầm non trong giai đoạn 2011-2016, tìm ra những khó khăn, hạn chế cần khắc phục để có sự thống nhất trong phương hướng hoạt động, thực hiện nhiệm vụ công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi ở giai đoạn 2016-2020.
Ông Bùi Hữu Thành Cát- Phó Giám đốc Sở GDĐT báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi giai đoạn 2011-2015 và triển khai phương hướng thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020: Những năm qua, quy mô trường, lớp học mầm non không ngừng phát triển. Đến giữa năm 2016 đã có 293 trường mẫu giáo mầm non đáp ứng yêu cầu giáo dục cho 91.211 trẻ ở bậc học mầm non.
Công tác nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ được nâng cao thông qua các đợt bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên; triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, tổ chức Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi. Đến nay, đã có 7.866 cán bộ, giáo viên nhân viên ngành học Mầm non, trong đó số giáo viên đạt chuẩn trở lên là 5.265 người. Riêng giáo viên mẫu giáo 5 tuổi có 2.110 người đạt chuẩn 100% và trên chuẩn là 65%.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được ngành hết sức quan tâm được thể hiện qua việc tham mưu bố trí vốn xây dựng cơ bản của địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn ngân sách địa phương. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trong lớp và ngoài trời, các phần mềm ứng dụng cho các lớp mẫu giáo đã từng bước được trang bị.
Trong 5 năm qua, ngành GDĐT đã góp phần xóa 16 xã trắng về trường mầm non, đảm bảo 184 xã đều có trường mầm non, công nhận thêm 35 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia đến thời điểm này là 53 trường.
Công tác xã hội hóa giáo dục luôn được chú trọng ở bậc học mầm non. Trong năm học 2015-2016, tỉnh Đắk Lắk đã có 42 trường MG, MN ngoài công lập, trong đó có 2 trường dân lập và 40 trường tư thục. Ngành GDĐT thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp về việc huy động xã hội hóa về quản lý, sử dụng các khoảng đóng góp tự nguyện tại các cơ sở GDMN. Nhiều huyện đã tự vận động bằng nhiều biện pháp sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau, trực tiếp tìm kiếm nguồn đầu tư, tìm đối tác, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non. Tháng 6 năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi.
Trong giai đoạn 2016-2020, Ngành GDĐT tiếp tục quan tâm công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi nhằm đảm bảo phổ cập một cách bền vững, chất lượng; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm tải sĩ số trẻ trên lớp để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi năm 2016 và những năm tiếp theo…
Tại Hội nghị này, các đại biểu đã được nghe báo cáo của các đơn vị huyện Cư Kuin (Công tác điều tra phổ cập và huy động trẻ mầm non ra lớp), huyện Krông Ana (Công tác tăng cường thực hiện tổ chức cho trẻ ăn bán trú), huyện Krông Năng (Kết quả thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục mầm non) và huyện Ea H’Leo (Tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo của địa phương phương trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh HYim Kđoh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi. Để duy trì kết quả này trong bối cảnh ngành học Mầm non còn gặp nhiều khó khăn, mỗi địa phương cần có những giải pháp sáng tạo, tích cực trong triển khai thực hiện như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục mầm non.
Tại Hội nghị này, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk vinh dự đón nhận Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (thời điểm tháng 6/2016); 12 tập thể và 21 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ GDĐT; 15 tập thể và 29 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk; 15 tập thể và 38 cá nhân nhận Giấy khen của Sở GDĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi giai đoạn 2011-2015./.