Khảo sát thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý dạy học tiếng dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 11/4, tại huyện Cư M’gar, Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức khảo sát thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý dạy học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu tham dự chương trình khảo sát

Tham dự chương trình làm việc có bà Vũ Thị Diệu Linh – Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT; chuyên viên các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở GDĐT; đại diện lãnh đạo các phòng GDĐT huyện Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ; các chuyên gia viết tài liệu bồi dưỡng tiếng Êđê; cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Êđê trường Tiểu học Ama Trang Lơng, trường Tiểu học Phan Chu Trinh huyện Cư M’gar và giáo viên dạy tiếng Êđê các trường tiểu học thuộc phòng GDĐT thị xã Buôn Hồ.

Chuyên gia, giáo viên dự giờ tại lớp 3B trường Tiểu học Ama Trang Lơng, huyện Cư M’gar

Trong khuôn khổ các nội dung khảo sát, Đoàn công tác đã dự giờ tiết dạy tiếng Êđê lớp 3 tại trường Tiểu học Ama Trang Lơng, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Thông qua tiết học, nhận thấy hầu hết các em đều có thể đọc, viết thông thạo tiếng Êđê trong quyển sách giáo khoa tiếng Êđê 1 (xuất bản năm 2013, được điều chỉnh, hướng dẫn sử dụng theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT).

Thầy Y Sôl Êban thực hiện tiết dạy tiếng Ê đê tại lớp 3B, trường Tiểu học Ama Trang Lơng

Trường Tiểu học Ama Trang Lơng có 21 lớp với 645 học sinh (trong đó có 631 học sinh người DTTS – tỷ lệ 97,8%), có 39 cán bộ, giáo viên và người lao động (trong đó có 08 giáo viên, người lao động là người DTTS). Nhà trường tổ chức dạy tiếng Êđê cho 13/21 lớp thuộc các khối 3, 4 và khối lớp 5, với thời lượng 02 tiết/tuần/lớp.

Ông Nguyễn Thái Hoàng – Chuyên viên phòng Tổ chức – Hành chính Sở GDĐT báo cáo thực trạng năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thái Hoàng, Chuyên viên phòng Tổ chức – Hành chính, Sở GDĐT cho biết: Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 56 giáo viên dạy tiếng Ê đê (trong đó có 44 giáo viên dạy chương trình Tiểu học và 12 giáo viên dạy chương trình Trung học cơ sở); có 67 trường triển khai thực hiện dạy tiếng Ê đê (trong đó có 55 trường Tiểu học với 478 lớp, 9377 học sinh và 12 trường THCS với 24 lớp, 840 học sinh). Các trường thực hiện dạy học theo Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; đảm bảo 100% học sinh, trường lớp tổ chức dạy tiếng Êđê được cấp đủ SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Êđê bằng nguồn kinh phí nhà nước cấp hằng năm.

Bà Vũ Thị Diệu Linh – Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT phát biểu tại buổi làm việc

Trao đổi tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Diệu Linh – Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT nhấn mạnh: Việc dạy học tiếng Êđê tại các trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn ngôn ngữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương. Vì vậy, tại chương trình làm việc đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện dạy học tiếng Êđê; chú trọng các nội dung về tài liệu, sách giáo khoa tiếng Êđê, chế độ chính sách đối với người dạy và người học, đề xuất phương hướng khắc phục những tồn tại hạn chế mà địa phương đang vướng mắc. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với Sở GDĐT khắc phục những khó khăn, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dạy tiếng DTTS, quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên dạy tiếng Ê đê…

PGS.TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung, Chuyên gia viết tài liệu bồi dưỡng tiếng Ê đê ,Phó Giám đốc Trung tâm KHXH&NV Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu

Qua nội dung trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng học tập của học sinh chưa đồng đều, vẫn còn học sinh chưa thật sự nỗ lực trong việc học môn tiếng Êđê; chương trình và tài liệu dạy học tiếng Êđê cấp Tiểu học chưa đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; chế độ chính sách dành cho cán bộ quản lý và giáo viên dạy học tiếng Êđê còn chưa phù hợp và đồng bộ; thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu, sách tham khảo còn thiếu…

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Diệu Linh – Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT thông tin: Năm học 2025-2026, Bộ GDĐT sẽ hướng dẫn thực hiện dạy tiếng DTTS (trong đó có tiếng Êđê) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời triển khai bộ tài liệu hỗ trợ các địa phương dạy tiếng DTTS và đề nghị Sở GDĐT tham mưu cấp có thẩm quyền cấp kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học tiếng DTTS; tham mưu UBND tỉnh chính sách về dạy và học tiếng Êđê trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu đào tạo giáo viên đạt chuẩn…nhằm đảm bảo công tác dạy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh; đồng thời, yêu cầu các Nhà trường chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào trong soạn giảng, tạo sự hấp dẫn trong giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của tỉnh./.

    Hoàng Sâm