Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Giáo dục và Thời đại về những vấn đề xung quanh bản Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia năm 2017
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội
Bà Đinh Thị Lụa – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam bày tỏ đồng tình, ủng hộ với những chủ trương đổi mới, hoàn thiện kỳ thi THPT của Bộ GD&ĐT. Bà tin tưởng rằng xã hội sẽ có sự đồng thuận đối với kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và những công tác đổi mới mà ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện
Thưa bà, trong bản Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia năm nay Bộ chủ trương: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi; thực hiện việc giám sát các khâu: In sao đề thi, coi thi, chấm thi; Vậy bà có đánh giá như thế nào về: Năng lực tổ chức thi của các địa phương; đánh giá của xã hội đối với tính nghiêm túc của kỳ thi với một cụm thi đặt dưới sự giám sát của giảng viên các trường ĐH?
Tôi cho rằng năm nay mỗi tỉnh tổ chức một cụm thi THPT quốc gia dành cho tất cả các thí sinh trên địa bàn tỉnh thì quy mô cụm thi THPT quốc gia năm 2017 cũng tương đương với quy mô của các Hội đồng thi tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT tổ chức từ năm 2014 trở về trước. Việc phối hợp với lực lượng giám sát, hỗ trợ do Bộ GD&ĐT điều động để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia cũng đã được các Sở GD&ĐT thực hiện rất tốt trong những năm qua. Từ đó có thể khẳng định các Sở GD&ĐT hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện để chủ trì tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia cho tất cả các thí sinh trên địa bàn tỉnh.
Với nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trực thuộc Sở GD&ĐT, sự giám sát, phối hợp ở tất cả các khâu của lực lượng cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT điều động sẽ đảm bảo việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 nghiêm túc, khách quan, trung thực; từ kết quả, cách làm đó sẽ tạo được sự đồng thuận của xã hội đối với kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và những công tác đổi mới mà ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện.
Kỳ thi năm nay có điểm mới quy định: Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh giáo dục THPT có thể thi cả 5 bài thi, thí sinh GDTX có thể thi cả 4 bài để tăng cơ hội xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành. Vậy theo bà, điểm mới này có tác động như thế nào về: Công tác dạy và học, kiểm tra đánh giá của giáo dục hiện nay? Thí sinh có thuận lợi như thế nào phát huy sở trường năng lực lựa chọn ngành, nghề sau bậc học phổ thông?

DTL
Bà Đinh Thị Lụa – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam 

Trong phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã công bố có quy định thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh GDTX có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT đã tạo điều kiện cho thí sinh có khả năng đỗ tốt nghiệp THPT cao hơn.
Việc thí sinh phải thực hiện bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan đòi hỏi HS phải học toàn diện hơn, tránh được hiện tượng học tủ, học lệch chỉ tập trung vào học một số môn thi hoặc học một phần kiến thức của môn học; đồng thời các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần để phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Như vậy, việc xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ linh hoạt hơn, các thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ; từ đó tạo điều kiện tốt cho lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của các em HS.
Tuy nhiên, công tác sao in đề thi, coi thi, chấm thi sẽ phát sinh những vấn đề mới nên trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và tập huấn nghiệp vụ thi một cách kỹ càng cho tất cả các đối tượng tham gia kỳ thi.
Một vấn đề đáng chú ý khác: Năm nay, Bộ GD&ĐT đã Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia trên cơ sở Quy chế thi THPT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 25 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã được thực hiện thành công trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Tuy nhiên, khác với kỳ thi năm 2016, kỳ thi năm nay có thể phát sinh tình huống thí sinh không đăng ký thi trọn vẹn cả ba môn của một bài thi tổ hợp mà chỉ đăng ký thi một hoặc hai môn (thí sinh đã tốt nghiệp THPT), vì vậy cần hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn trong công tác coi thi, sao in đề thi, chấm thi để giải quyết tình huống này.
Năm nay, bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận còn các bài thi khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Vậy theo bà, hình thức thi có tác động như thế nào đối với kỳ thi năm nay về quy mô, công tác đề thi, bảo mật, in sao, vận chuyển đề thi, chấm thi?
Kỳ thi năm 2017 sẽ có số lượng mã đề thi của bài thi trắc nghiệm tăng nhiều so các năm trước nên công tác in sao đề thi phải được thực hiện một cách khoa học, chính xác để tránh sai sót.
Việc chấm bài thi trắc nghiệm vẫn sẽ phải thực hiện bằng máy cùng với phần mềm chuyên dụng, do vậy việc chấm thi sẽ khách quan hơn và giảm nhiều số cán bộ chấm thi trong Ban chấm thi; song bên cạnh đó mỗi bài thi không chỉ có một đầu điểm như trước đây mà có nhiều đầu điểm (tối đa là 4 đầu điểm: Gồm điểm toàn bài và điểm các môn thành phần) dẫn tới phải điều chỉnh phần mềm chuyên dụng và quá trình xử lý chấm sẽ phức tạp hơn.
Xin cảm ơn bà!
“Để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã mời các nhà khoa học, các giáo viên giỏi tổ chức biên soạn, biên tập câu hỏi thi THPT quốc gia theo kế hoạch của Bộ, với thời gian chuẩn bị từ nay tới thời điểm diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia. Tôi tin rằng, Bộ GD&ĐT sẽ làm tốt công tác đề thi để có được bộ đề thi chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các mục tiêu đặt ra. Việc đổi mới này cũng sẽ tạo những chuyển biến tích cực trong dạy học ở các nhà trường, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch của HS”.

Nguồn: gdtd.vn