Ngày hội STEM khơi dậy tài năng của học sinh trung học phổ thông
Lượt xem:
Sáng 21/12, tại Trường THCS, THPT Đông Du, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Đắk Lắk tổ chức khai mạc Ngày hội STEM cấp THPT tỉnh Đắk Lắk lần thứ II – năm 2024 (Ngày hội) với chủ đề “Giáo dục STEM – Hành trình sáng tạo”.
Các đại biểu tham dự khai mạc Ngày hội
Tham dự khai mạc có bà Lê Thị Thanh Xuân -Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT; ông Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GDĐT, Trưởng Ban tổ chức ngày hội STEM cấp THPT tỉnh Đắk Lắk lần thứ II; ông Lưu Tiến Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh; ông Phạm Gia Việt – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các phòng GDĐT, các trung tâm GDNN-GDTX, các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh.
Bà Lê Thị Thanh Xuân -Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc ngày hội STEM cấp THPT tỉnh Đắk Lắk lần thứ II – năm 2024
Phát biểu khai mạc Ngày hội, bà Lê Thị Thanh Xuân -Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT khẳng định: Ngày hội STEM cấp THPT tỉnh Đắk Lắk lần thứ II – năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động giáo dục trong năm học 2024-2025. Đây là hoạt động giáo dục thường xuyên của ngành, cũng là hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, hướng tới Kỷ niệm 50 năm Giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột; giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với những ứng dụng trong thực tiễn. Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh; các hoạt động giáo dục STEM trong trường phổ thông đã thúc đẩy đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Ngày hội STEM năm nay, có sự tham gia của 112 dự án của 55 trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trên toàn tỉnh, 117 giáo viên hướng dẫn và 284 học sinh. Đây không chỉ là thành quả của các em học sinh mà còn là minh chứng cho sự đầu tư tâm huyết của các thầy cô giáo và sự quan tâm sâu sắc của các nhà trường. Ngày hội được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Trải nghiệm STEM, là nơi các em trực tiếp tham gia, khám phá và thực hành những hoạt động khoa học thú vị; Hội thảo giáo dục STEM, là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và xu hướng phát triển giáo dục STEM giữa các nhà trường với nhau; bài dạy STEM giới thiệu, chia sẻ các phương pháp giảng dạy tiên tiến, gắn lý thuyết với thực tiễn, mang lại hứng khởi trong học tập…
Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Ngày hội
Các gian hàng trưng bày sản phẩm STEM được chuẩn bị công phu, số lượng sản phẩm phong phú, trang trí, sắp xếp đẹp mắt. Đa số các sản phẩm được trưng bày gắn liền với chủ đề, bài học STEM ở trên lớp, sử dụng kiến thức liên môn để thiết kế, thi công; các sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, có tính sáng tạo, sử dụng nguyên liệu tái chế phù hợp, đáp ứng được các tiêu chí đánh giá sản phẩm STEM. Nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ, thể hiện sự tâm huyết, niềm say mê khoa học của học sinh.
Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn giới thiệu dự án tham dự Ngày hội với lãnh đạo Sở GDĐT
Tổ chức tiết dạy bài học STEM gồm 02 tiết, trong đó có 01 tiết do chuyên gia mời dạy minh hoạ với nội dung “Trái đất nổi giận- Chế tạo tháp chống động đất”, do trung tâm sáng tạo Creative Gara – Hà Nội thực hiện; 01 tiết do giáo viên trường THCS, THPT Đông Du thực hiện với nội dung “Chế tạo thiết bị điện phân điều chế nước” Sau tiết dạy các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, các cán bộ quản lý và giáo viên các trường đã trao đổi, rút kinh nghiệm tiết dạy và chia sẻ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong nhà trường.
Tiết dạy “Chế tạo thiết bị điện phân điều chế nước” do thầy Nguyễn Văn Dũng, giáo viên trường THCS, THPT Đông Du thực hiện
Trong chuỗi hoạt động của Ngày hội, chiều cùng ngày, Sở GDĐT đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong trường trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Tham gia Hội thảo có lãnh đạo Sở; lãnh đạo và chuyên viên phòng GDTrH-GDTX; các chuyên gia đến từ trung tâm sáng tạo Creative Gara – Hà Nội, Đại học Tây Nguyên, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo, giáo viên các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trong toàn tỉnh.
Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc HộI thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh: Giáo dục STEM được triển khai trong trường phổ thông theo 3 hình thức: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM và tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Tại Đắk Lắk, hiện nay giáo dục STEM ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc trong mỗi nhà trường, thầy cô giáo và học sinh từ vùng trung tâm đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Để triển khai giáo dục STEM có hiệu quả cần định hướng, đề xuất các giải pháp để triển khai giáo dục SEM trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh: Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh và cha mẹ học sinh về giáo dục STEM; tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tài liệu dạy học phục vụ giáo dục STEM; tích cực xây dựng và thực hiện các chủ đề theo định hướng giáo dục STEM, tổ chức ngày hội STEM các cấp và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật, khởi nghiệp; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục STEM trong nhà trường…
Ông Phạm Quý Phúc – Chuyên gia đến từ trung tâm sáng tạo Creative Gara – Hà Nội báo cáo tham luận
Theo đánh giá của Ban tổ chức, Ngày hội STEM cấp THPT tỉnh Đắk Lắk lần thứ II – năm 2024 đã thành công tốt đẹp, góp phần khẳng định được “thương hiệu STEM Đắk Lắk” – là hoạt động hấp dẫn, sáng tạo và thực sự lan tỏa, trở thành một phần không thể thiếu trong công tác tổ chức dạy học, giáo dục của mỗi trường học. Các sản phẩm STEM tại Ngày hội đã được đầu tư công phu, đa dạng, thực tế; một số sản phẩm gắn liền với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn và sẽ được nâng tầm trở thành dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật và Khởi nghiệp. Các bài dạy STEM đã được triển khai sinh động, hấp dẫn, trang bị cho học sinh kỹ năng làm việc nhóm, hoạt động tập thể, hỗ trợ lẫn nhau…
Ban Tổ chức trao Giấy khen các cá nhân có sản phẩm đạt giải NhấtBan Tổ chức trao Giấy khen các cá nhân có sản phẩm đạt giải NhìBan Tổ chức trao Giấy khen các cá nhân có sản phẩm đạt giải Ba
Kết thúc Ngày hội, Ban tổ chức đã trao 9 giải Nhất, 13 giải Nhì, 28 giải Ba và 37 giải Khuyến khích cho các trường tham gia Ngày hội đạt thành tích xuất sắc. 9 Giải Nhất thuộc về các đơn vị: THPT Trần Phú; THPT Thực hành Cao Nguyên (02 dự án đạt giải Nhất); THCS và THPT Đông Du; Tiểu học, THCS, THPT Victory; THPT Nguyễn Trường Tộ; THPT Tôn Đức Thắng; THPT Võ Văn Kiệt; THPT Hai Bà Trưng. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao Giấy khen cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong Ngày hội STEM năm 2024 gồm: Trường THPT Thực hành Cao Nguyên; trường THCS và THPT Đông Du và trường THPT Trần Phú.
Ban Tổ chức trao thưởng cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc
Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức Ngày hội STEM cấp THPT tỉnh Đắk Lắk lần thứ II – năm 2024 đã trao Quyết định và Cờ đăng cai Ngày hội STEM cấp THPT tỉnh Đắk Lắk lần thứ III – năm 2025 cho trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar).
Ông Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GDĐT, Trưởng Ban tổ chức ngày hội STEM cấp THPT tỉnh Đắk Lắk lần thứ II trao Cờ đăng cai Ngày hội STEM cấp THPT lần thứ III cho trường THPT Cư M’gar
Hoàng Sâm