Nhiều tỉnh miền núi khó khăn như Điện Biên, Quảng Nam, Đắk Lắk…số lượng học sinh THPT theo học được với hình thức trực tuyến chỉ đạt khoảng 70% do không có mạng Internet, học sinh phải tự học
Lượt xem:
Ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chủ trì họp trực tuyến với 19 Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thuộc các vùng khó khăn về việc triển khai hoạt động dạy học từ xa qua internet và truyền hình; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khi học sinh đi học trở lại.
Việc triển khai dạy học qua internet, trên truyền hình, đáp ứng mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng học” của Bộ GD&ĐT là một giải pháp tình thế trong tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến thì bậc đại học đã được tiếp cận nhiều nhưng với bậc phổ thông đây là việc mới nên cũng gặp không ít khó khăn.
Một sinh viên của trường ĐH Thương Mại ở thôn Pắc Bẹ, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La phải lên tận đỉnh núi để bắt sóng học online.
Nhiều bản làng chưa có mạng internet
Tại hội nghị, ông Cù Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GDĐT Điện Biên cho biết, đến nay đã có khoảng 73% học sinh bậc THPT được học từ xa, qua internet, trên truyền hình hoặc giao bài tập trực tiếp. Theo đây là nỗ lực rất lớn, bởi Điện Biên là tỉnh miền núi với 40% hộ nghèo, rất nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa chưa có mạng internet, sóng điện thoại tới nơi.
Để triển khai được việc dạy học từ xa, ngành Giáo dục Điện Biên đã tổ chức rà soát tới từng học sinh để nắm được khả năng tiếp cận việc học của các em, với những trường hợp học sinh không thể học qua internet hay truyền hình, các trường học sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để chuyển tải nội dung, phát phiếu học tập trực tiếp đến các em.
Với đặc thù một tỉnh với trên 2000 cơ sở giáo dục, 11 huyện miền núi, ông Vàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa cho biết, ngay từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã triển khai việc ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh qua hình thức trực tuyến.
Đối với việc dạy học qua truyền hình, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ, tỉnh Thanh Hóa thành lập nhóm giáo viên, tổ chức bài giảng và cho 2 khối lớp 9 và 12 trên Đài Truyền hình Thanh Hóa.
“Đối với các khối khác, ở những nơi có điều kiện ngành Giáo dục triển khai dạy học trực tuyến, phối hợp với phụ huynh tăng cường quản lý hỗ trợ học sinh tự học, kể cả bậc mầm non cũng có hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc trẻ” – Ông Thi cho hay.
Nhiều học sinh miền núi, vùng khó khăn bậc tiểu học, THCS khó tiếp cận việc học trực tuyến
Mới có 70% học sinh THPT vùng thuận lợi học trực tuyến
Là tỉnh có nhiều địa bàn khó khăn, song thời điểm này 100% các trường học thuộc tỉnh Quảng Nam đã triển khai dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam, tùy vào vùng miền mà việc học trực tuyến đạt hiệu quả khác nhau. Tại các địa bàn thuận lợi, số học sinh tham gia học trực tuyến bình quân đạt trên 80%.
Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam cho rằng, học trực tuyến hiệu quả ở mức độ nào là do nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Vẫn biết là còn khó khăn nhưng nếu nhìn khó khăn mà nhận xét dạy học trực tuyến không hiệu quả là không công bằng.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho rằng, triển khai dạy học trực tuyến đạt được 3 hiệu quả: Duy trì việc học, phần nào đó tạo được cho học sinh ý thức học tập, và thực hiện được mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
“Tỉnh Nghệ An đã huy động tất cả các nguồn lực địa phương để tổ chức dạy học qua internet, truyền hình. Đến nay, ở cấp THPT đã có gần 80%, THCS 70% tham gia học tập theo các hình thức này” – Ông Thành thông tin.
Do không có điện lưới nên Giàng A Anh (trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương) ở bản Háng Tày xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, buổi tối phải dùng đèn dầu học bài.
Bậc tiểu học: Giáo viên phải đến tận nhà giao bài trực tiếp
Tại tỉnh Đắk Lắk, ngay từ đầu mùa dịch, ngành Giáo dục địa phương đã triển khai dạy học qua internet, từ ngày 1/4 triển khai dạy qua truyền hình với 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk cho biết, ở Đắk Lắk có nhiều học sinh sống thuộc vùng sâu, vùng xa nên ngoài dạy học qua internet, trên truyền hình, các giáo viên còn đến tận nơi giao bài trực tiếp cho học sinh, nhất là với cấp tiểu học.
“Các giáo viên rất nỗ lực, tinh thần trách nhiệm rất cao. Ngoài ra còn có sự phối hợp của cán bộ đoàn, phụ huynh để hỗ trợ học sinh học tập trong thời gian ở nhà. Tuy nhiên, Đắk Lắk đang vào mùa phát nương làm rẫy, các em học sinh phải tham gia lao động cùng gia đình, do đó việc triển khai học từ xa gặp không ít khó khăn” – Ông Khoa nói.
Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk đề nghị, Bộ GDĐT tiếp tục có những hỗ trợ địa phương về hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống học liệu, nhất là các bài giảng mới để triển khai dạy học qua internet, truyền hình.
“Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk mới triển khai giai đoạn 1 dạy học trên truyền hình, giai đoạn 2 sẽ mở rộng dạy thêm các môn thi THPT quốc gia đối với lớp 12 và 3 môn đối với lớp 5. Vì vậy, rất cần Bộ hỗ trợ bài giảng để địa phương thuận lợi trong thực hiện” – ông Khoa đề nghị.
Với những sinh viên ở vùng không có điện lưới, internet, tài liệu được gửi đến bằng đường bưu điện và giáo viên gọi điện kiểm tra thì bậc tiểu học, THCS lại càng khó khăn hơn.
Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ đội ngũ chuyên gia
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, 70-80% học sinh bậc THPT ở các địa phương khó khăn được học trực tuyến, học qua truyền hình là con số cho thấy nỗ lực lớn của các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh”.
Theo thứ trưởng Độ, để dạy trực tuyến thành công thì các địa phương phải đầu tư cơ sở hạ tầng từ máy tính, phần mềm, đến đường truyền. Các địa phương cần rà soát, phân loại học sinh để đưa ra những phương án dạy và học phù hợp, học sinh nào được học trực tuyến đều đặn, chưa đều hoặc chưa được học thì phải có phương án án dạy bù khi các em quay lại trường học.
Ngoài ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo và sự nhiệt tình của đội ngũ giáo viên. Các địa phương cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Bộ GDĐT sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ đội ngũ chuyên gia để bồi dưỡng trực tuyến cho giáo viên các địa phương.
“Có hạ tầng tốt, người quản lý quyết liệt, giáo viên chất lượng, tâm huyết nhưng học sinh thiếu động lực học tập, phụ huynh thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ thì quá trình triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình không thể thành công. Do đó, học sinh phải có ý thức tự học, nhất là các em cuối cấp. Phụ huynh học sinh cần động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em học tập” – Thứ trưởng Độ nói.
Nguồn: Hồng Hạnh
(https://www.dantri.com.vn)