Sôi nổi Hội thi Giao lưu tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk, năm học 2024-2025
Lượt xem:
Ngày 25/4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức khai mạc Hội thi Giao lưu tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk, năm học 2024 – 2025. Hội thi được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục cho trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, đặc trưng vùng miền, giữ gìn tiếng mẹ đẻ; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt, phát triển ngôn ngữ, tình cảm xã hội, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp và để chuẩn bị tốt hành trang cho trẻ vào học lớp 1.
Đại biểu và thí sinh dự lễ khai mạc Hội thi
Tham dự Hội thi có ông Lưu Tiến Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở GDĐT; đại diện lãnh đạo phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo các nhà tài trợ; hơn 150 thí sinh là cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là người dân tộc thiểu số đến từ 15 đội thi (thuộc 15 phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố) và phụ huynh tham gia cổ vũ cho Hội thi.
Ông Lưu Tiến Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc Hội thi
Phát biểu khai mạc Hội thi, ông Lưu Tiến Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh: Tiếng Việt không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là cầu nối tri thức, là nền tảng quan trọng để trẻ mầm non phát triển toàn diện về trí tuệ, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội. Đặc biệt, đối với trẻ em dân tộc thiểu số, việc phát triển tiếng Việt từ cấp học mầm non đóng vai trò then chốt giúp các em tự tin bước vào hành trình học tập trong tương lai. Thông qua Hội thi cũng là dịp để ngành Giáo dục đánh giá kết quả triển khai Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021–2025.
Ban Tổ chức trao tặng Cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Hội thi
Hội thi Giao lưu tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk, năm học 2024–2025 là sân chơi bổ ích, thiết thực cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số thể hiện khả năng sử dụng tiếng Việt qua lời nói, câu chuyện, bài hát, trò chơi…; là dịp để các thầy cô giáo chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra những phương pháp dạy học hiệu quả, gần gũi và phù hợp với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Võ Thị Phượng – Phó Trưởng phòng, phụ trách phòng GDMN-GDDT, thành viên Ban Tổ chức phát biểu đánh giá chất lượng Hội thi
Các đội trải qua 3 phần thi gồm: Chào hỏi (giới thiệu bằng tiếng Việt về các thành viên trong đội thi, về đơn vị, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, của địa phương mình; giới thiệu về công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non); Năng khiếu (sử dụng tiếng Việt thể hiện một tiết mục năng khiếu về các chủ đề phù hợp với lứa tuổi mầm non); Kiến thức (trả lời câu hỏi trắc nghiệm về nội dung các lĩnh vực mà trẻ đã được học trong Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, trong suốt quá trình tham gia thi, các đội thi đã có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Các phần thi được đầu tư bài bản cả về nội dung lẫn hình thức; các đội thi đã khéo léo kết hợp các yếu tố như âm nhạc, đạo cụ, phục trang, hoạt cảnh minh họa để hỗ trợ cho việc truyền tải nội dung tiếng Việt một cách hiệu quả. Từng tiết mục dự thi là một câu chuyện sinh động, giàu hình ảnh, truyền tải được thông điệp giáo dục rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi mầm non; trẻ đã thể hiện sự tự tin, linh hoạt trong ngôn ngữ, phong cách biểu diễn tự nhiên, mạch lạc. Đặc biệt, các đội thi đã linh hoạt, khéo léo, sáng tạo trong vận dụng các yếu tố văn hóa dân tộc vào các phần thi. Những hình ảnh sinh hoạt đời thường, lễ hội, trò chơi dân gian… được tái hiện sinh động không chỉ giúp trẻ hiểu và yêu thêm tiếng Việt mà còn khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Ban Tổ chức trao tặng Cờ toàn đoàn cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao tặng 6 Cờ toàn đoàn cho các đơn vị đạt thành tích cao tại hội thi, trong đó giải Nhất thuộc về Phòng GDĐT huyện Krông Năng; giải Nhì thuộc về các Phòng GDĐT huyện Lắk và phòng GDĐT huyện Cư Kuin; giải Ba thuộc về Phòng GDĐT các huyện: M’Drắk, Krông Bông và thành phố Buôn Ma Thuột.
Ban Tổ chức khen thưởng cho các đội đạt thành tích xuất sắc ở phần thi Chào hỏi
Ban Tổ chức khen thưởng cho các đội đạt thành tích xuất sắc ở phần thi Năng khiếu
Ban Tổ chức khen thưởng cho các đội đạt thành tích xuất sắc ở phần thi Kiến thức
Ban tổ chức tặng Giấy khen cho các đơn vị đạt thành tích cao tại các phần thi. Theo đó, ở phần thi Chào hỏi, giải Nhất thuộc về Phòng GDĐT huyện Krông Năng; giải Nhì thuộc về Phòng GDĐT M’Đrắk; 03 giải Ba thuộc về Phòng GDĐT các huyện: Ea Kar, Cư Kuin, Cư M’gar; 05 giải Khuyến khích thuộc về Phòng GDĐT các huyện: Krông Bông, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk.
Đối với phần thi Năng khiếu, giải Nhất thuộc về Phòng GDĐT thành phố Buôn Ma Thuột; 02 giải Nhì thuộc về các Phòng GDĐT huyện Buôn Đôn và huyện Ea H’leo; 03 giải Ba thuộc về Phòng GDĐT các huyện: Krông Ana, Krông Năng, Ea Kar; 04 giải Khuyến khích thuộc về Phòng GDĐT các huyện: Krông Bông, Krông Búk, M’Đrắk và Lắk.
Đối với phần thi Kiến thức, 02 giải Nhất thuộc về Phòng GDĐT huyện Lắk và phòng GDĐT huyện Cư Kuin; 04 giải Nhì thuộc về Phòng GDĐT các huyện: Krông Bông, Krông Búk; Buôn Hồ, M’Đrắk; 5 giải Ba thuộc về Phòng GDĐT các huyện: Krông Năng, Krông Pắk, Ea Kar, Cư M’gar và thành phố Buôn Ma Thuột./.
Hoàng Sâm