Sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật 2016

Lượt xem:

Đọc bài viết

Năm 2016 đáng nhớ khi được Việt Nam chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp, cùng đó là cuộc đua 4G và những cuộc tấn công mạng đáng sợ. Dưới đây là những sự kiện nổi bật trong lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam năm qua.
Sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật 2016
Nhà mạng vào cuộc đua 4G
Sau thời gian thử nghiệm, trong tháng 10 vừa qua ba nhà  mạng lớn nhất Việt Nam – Viettel, Vinaphone và Mobifone, đã chính thức được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông 4G (LTE). Dịch vụ 4G được Viettel bắt đầu thử nghiệm vào cuối năm ngoái tại Bà Rịa – Vũng Tàu, sau đó là Hà Nội; VNPT (chủ quản mạng Vinaphone) thử nghiệm tại Phú Quốc và TP.HCM hồi đầu năm; và Mobifone mới thử nghiệm vào tháng 7/2016 tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Gtel dù chưa thử nghiệm cũng được cấp phép 4G cho mạng di động Gmobile vào ngày 18/10.
Cả ba nhà mạng lớn đều đã cung cấp sim 4G thương mại cho khách hàng của mình với nhiều thuận lợi, iPhone và một số smartphone cao cấp khác đã hỗ trợ 4G và nhu cầu truy cập mạng di động băng thông rộng tăng cao. Về lý thuyết công nghệ 4G cho phép người dùng di động truy cập mạng Internet tốc độ nhanh hơn hàng chục lần so với 3G.
Thảm họa an ninh mạng
VN Airlines
Website Vietnam Airlines bị tấn công thay đổi giao diện vào chiều 29/7.

Diễn biến an ninh mạng ngày càng trở nên phức tạp với nhiều vụ xâm nhập trái phép nguy hiểm đe dọa bất kỳ tổ chức, cá nhân người dùng nào đối mặt với những rủi ro khó lường. Sự cố xảy ra hôm 29/7 với ngành hàng không gây chấn động trong nước là lời cảnh báo mới nhất về hiểm họa của các cuộc tấn công có chủ đích. Hacker đã can thiệp thay đổi thông tin hiển thị và phát âm thanh xuyên tạc về vấn đề biển Đồng trên hệ thống thông báo tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Các quầy check-in buộc phải thực hiện thủ công gây chậm trễ nhiều chuyến bay. Trong cùng ngày, website Vietnam Airlines bị tấn công thay đổi giao diện, đồng thời dữ liệu khách hàng Bông Sen Vàng bị rò rỉ trên mạng.
Tiếp đến, xuất hiện tình trạng tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng bỗng nhiên “bốc hơi”, không chỉ xảy ra với Vietcombank mà cả ngân hàng khác, gây hoang mang trong xã hội. Phương thức thanh toán trực tuyến lên ngôi cùng với công nghệ di động phát triển quá nhanh chính là mảnh đất màu mỡ cho hacker lợi dụng tấn công người dùng để trục lợi bất chính từ thông tin cá nhân nhạy cảm cho đến tài sản mà chúng đánh cắp được. Những sự cố mất tiền “oan” thời gian qua đang làm giảm lòng tin của người dân với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mới bắt đầu phổ biến ở Việt Nam.
Thêm một hiện tượng đáng sợ nữa là nạn mã độc ransomware mã hóa dữ liệu tống tiền đang nổi lên trở thành ngành kinh doanh béo bở trong thế giới ngầm, mà nạn nhân là bất kỳ tổ chức, cá nhân người dùng nào lơ là trong việc giữ an toàn dữ liệu. Theo thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) sự cố tấn công mạng năm vừa qua cao gấp 4 lần năm 2015.
Năm “Quốc gia khởi nghiệp”
Nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong giới trẻ, chính phủ đã chọn 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho các doanh nghiệp dựa trên mô hình kinh doanh mới khai thác công nghệ tiên tiến và tài sản trí tuệ.

Momo
Dịch vụ chuyển tiền MoMo là startup Việt gọi vốn thành công nhất cho đến nay, với khoản đầu tư tới 28 triệu USD từ Standard Chartered và Goldman Sachs.
Chưa bao giờ câu chuyện khởi nghiệp nhận được sự quan tâm sâu rộng như năm qua. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đã tìm đến Việt Nam, trong đó có 500 Startups từ Thung lũng Silicon (Mỹ) với tuyên bố sẵn sàng rót 10 triệu USD cho khoảng 100 đến 150 dự án khởi nghiệp trong nước. Thực tế, năm qua đã có nhiều startup huy động được hàng triệu USD. Tiêu biểu nhất là thương vụ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Goldman Sachs rót 28 triệu USD vào ví điện tử MoMo.
Tiếng nói của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cũng đã được ghi nhận qua sự kiện kiến nghị thành công về hủy bỏ Điều luật 292 Bộ luật hình sự 2015. Đây là điều luật qui định tội danh về cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, vốn bị chỉ trích là có nội dung đi ngược với chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, nhất là khởi nghiệp.
Năm qua, làng startup trong nước cũng không thiếu những “ồn ào”, như vụ The KAfe bị nhiều đối tác tố chậm thanh toán công nợ để chiếm dụng vốn kinh doanh lên đến hàng tỷ đồng. Nhà sáng lập Đào Chi Anh cuối cùng đã rời bỏ chức vụ CEO hồi cuối tháng 10, để lại nhiều tranh luận trái chiều về số phận của các startup non trẻ.
Kiên quyết dẹp bỏ sim rác
SIM

Trong một hành động quyết liệt nhằm xóa bỏ tin nhắn rác để tăng cường đảm bảo an ninh và trật tự xã hội, Bộ TTTT đã kiên quyết yêu cầu các nhà mạng phải thu hồi sim kích hoạt sẵn, thường gọi là sim rác. Nguồn gốc phát sinh sim rác được bán tràn lan là từ việc phát triển nóng thuê bao trả trước của các nhà mạng, trong khi cơ quan chức năng buông lỏng quản lý một thời gian dài. Kể từ cuối tháng 10, sau khi các nhà mạng ký cam kết với Bộ TTTT về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn, cho đến hết năm 2016, khoảng 15 triệu sim diện này bị khóa dịch vụ. Các số thuê bao bị thu hồi sẽ được bổ sung vào kho số quốc gia, tránh lãng phí tài nguyên số. Bộ TTTT cũng đồng thời khuyến cáo người dùng đang sử dụng sim trả trước không chính chủ đi đăng ký lại thông tin đầy đủ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp lâu dài của mình.
Nạn tin nhắn rác làm phiền người dùng tuy có giảm nhưng không dễ bị triệt tiêu. Thực tế người dùng điện thoại di động hàng ngày vẫn bị dội bom bởi nhiều loại tin nhắn và gọi điện chào bán, quảng bá những dịch vụ không mong muốn, trong đó thậm chí có sự tham gia của các tổng đài nhà mạng di động.
Sàn TMĐT – ‘bán mình’ hay ‘dẹp tiệm’?

TMDT
Bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá là lĩnh vực đầy tiềm năng và đang phát triển với tốc độ nhanh, nhưng các sàn Thương mại điện tử (TMĐT) trong nước lại đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm, hay phải đóng cửa do hoạt động thua lỗ quá sức chịu đựng. Đầu tư lớn, cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp TMĐT còn chịu rất nhiều sức ép từ sự bành trướng của Facebook mở cơ hội cho nhà nhà kinh doanh, người người bán hàng qua mạng. Không thiếu những kẻ yếu lực đã buộc phải rời sân chơi, kể cả những tên tuổi lớn như Lazada hay Zalora cũng đành “bán mình”.
Zalora Việt Nam bị chủ sở hữu Rocket Internet bán lại cho người Thái vào tháng 4. Sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam Lazada thì bị sang tay Alibaba của Trung Quốc. Xấu số hơn thì bị dẹp tiệm như Lingo.vn hồi tháng 8, nối tiếp chuỗi sàn TMĐT đã ra đi: Beyeu.vn, Deca.vn, Lamido.vn…
Trong khi đó, startup Tiki vốn là nhà sách online được VNG đầu tư tới 18 triệu USD tính đến cuối tháng 3, trở thành sàn TMĐT bán đủ loại mặt hàng sẵn sàng “đấu” với Sendo của FPT, Adayroi  của Vingroup. Thực ra, Tiki vẫn đang thua lỗ triền miên, tính đến cuối năm đã “đốt” mất 157 tỷ đồng sau 8 tháng nhận đầu tư từ VNG. Bản thân VNG cũng từng thất bại nặng nề với 123mua, phải nhượng lại cho đối thủ Sendo hồi năm 2014.
Hiếm kẻ cười, nhiều người khóc, nhưng các sàn TMĐT vẫn đang đua nhau “đốt tiền” soi tìm tương lai mà hiện tại không rõ sẽ trụ được bao lâu.
Nguồn: pcworld.com.vn