Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng sách giáo khoa Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử lớp 12
Lượt xem:
Sáng ngày 22/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Đắk Lắk tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng sử dụng, giảng dạy Sách giáo khoa (SGK) mới, bộ sách Cánh Diều cho cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh. Tham dự chương trình có TS. Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GDĐT; bà Phan Thị Hoa – Giám đốc CTCP Sách giáo dục Bình Minh; PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn 12, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Tuệ, Chủ biên môn Địa lý 12, TS. Nguyễn Văn Ninh, Chủ biên môn Lịch sử 12 – Bộ Cánh Diều; Lãnh đạo và CV phòng GDTrH-GDTX Sở GDĐT; Cán bộ quản lý, Tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn và tất cả giáo viên được phân công dạy Ngữ văn lớp 12, Địa lý lớp 12 và Lịch sử lớp 12 năm học 2024-2025.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Sở GDĐT Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch tập huấn sử dụng SGK lớp 12 mới năm học 2024-2025 nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ CBQL, giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp THPT; lồng ghép việc tập huấn SGK mới với chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo quy định. Đội ngũ giáo viên có nắm chắc về nội dung của chương trình mới thì mới thiết kế được phương pháp tổ chức hoạt động giảng dạy hiệu quả, từ đó đạt được mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đề ra là phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục thực hiện tập huấn sử dụng SGK với thời lượng từ 1 – 2 buổi.
Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GDĐT phát biểu tại Hội nghị
Buổi tập huấn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp giáo viên có thêm kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Xác định tầm quan trọng của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, thầy cô không chỉ hoàn thiện việc dạy kiến thức mà còn phải hướng đến việc tăng cường tổ chức cho học sinh trải nghiệm, hình thành năng lực, phẩm chất cho các em. Qua đó, giúp các thầy cô giáo có cái nhìn tổng thể về nội dung, hình thức và cách tiếp cận bộ sách. Với những thay đổi trong chương trình mới, hướng tới một xã hội “học thật, thi thật, nhân tài thật” sẽ luôn bắt đầu từ một nền giáo dục thực học.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn 12-Bộ sách Cánh Diều báo cáo tại Hội nghị
Tại buổi tập huấn, các thầy cô giáo đã chủ động nghiên cứu chương trình cũng như các phương pháp và cách sử dụng SGK, cùng nhau thảo luận những vấn đề mà giáo viên hay gặp phải, đồng thời phân tích các hướng giải quyết phù hợp. Từ đó, giáo viên đã có thể nắm được kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng chương trình mới và sẵn sàng sử dụng SGK lớp 12 một cách hiệu quả trong năm học 2024-2025./.
PHÒNG GDTrH-GDTX