Tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học và chuyển đổi số

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 16/12 tại trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Du, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên tổ chức tập huấn triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và phòng GDĐT; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) trong dạy học.

Đại biểu tham dự lớp tập huấn

Tham dự lớp tập huấn có ông Lưu Tiến Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh; ThS Nguyễn Ngọc Thạch – Trưởng bộ môn CNTT trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên (báo cáo viên lớp tập huấn); lãnh đạo, chuyên phòng QLCL-CNTT Sở GDĐT; các lãnh đạo phòng, lãnh đạo trung tâm GDNN-GDTX, chuyên viên, giáo viên phụ trách CNTT và giáo viên có kinh nghiệm về triển khai phần mềm ứng dụng trong dạy học của 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ông Lưu Tiến Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy học và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GDĐT. Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đề cập đến việc ứng dụng các công nghệ và công cụ trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả dạy học. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục không phải là sự thay thế cho con người mà là một công cụ hỗ trợ, cung cấp dữ liệu quan trọng trong quá trình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Sử dụng AI trong giảng dạy với mục đích nâng cao kỹ năng ứng dụng Công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục; sử dụng AI giúp cán bộ, giáo viên tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy như: Tìm kiếm tư liệu, soạn giảng, thiết kế giáo án điện tử, tích hợp các trò chơi trong bài giảng, chấm bài, thuyết trình… Bên cạnh đó, AI có thể tham gia vào việc hỗ trợ giáo viên trong việc quản lý dữ liệu, theo dõi tiến độ học tập của học sinh…

ThS Nguyễn Ngọc Thạch – Trưởng bộ môn CNTT trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên báo cáo tại lớp tập huấn

Tại buổi tập huấn các báo cáo viên đến từ trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên đã trao đổi các nội dung: Giới thiệu tổng quan về AI, các ứng dụng hiện đại cũng như lợi ích của việc ứng dụng AI để cải thiện hiệu quả trong giảng dạy. Hướng dẫn chi tiết cách sử dụng AI để soạn bài giảng thông minh, tự động hóa việc tạo bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh một cách khoa học và chính xác; chuyển ý tưởng văn bản thành tranh vẽ để tạo học liệu số; chuyển ảnh thành hoạt hình, xây dựng video hoạt hình bằng AI; sử dụng AI để chuyển văn bản ảnh thành file word; sử dụng AI để xây dựng slide bài giảng…. Ngoài ra, còn hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng Chat GPT và các phần mềm khác để hỗ trợ trong các hoạt động giáo dục hàng ngày, tra cứu thông tin, cách tạo ra các câu hỏi, đề bài, bài tập…. Từ đó tạo ra các dạng bài tập, bài học phong phú, đa dạng đối với mọi đối tượng học sinh. Những phương pháp này không chỉ giúp thầy cô tiết kiệm thời gian mà còn làm mới cách tiếp cận học sinh. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành cầu nối giữa lí thuyết giảng dạy và thực tế ứng dụng, mở ra những cơ hội mới cho việc học tập cá nhân hóa, tự động hóa và tối ưu hóa quá trình giảng dạy.

Ông Phạm Đức Minh – Chuyên viên phòng CNTT Sở GDĐT hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeiD trong giải quyết thủ tục hành chính

Thông qua buổi tập huấn các cán bộ quản lý, giáo viên đã có thêm kiến thức bổ ích về ứng dụng AI, cũng như sử dụng các phần mềm để tạo ra bài giảng hay, sinh động. Ngoài ra tại buổi tập huấn các cán bô, giáo viên còn được hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeiD (Việt Nam Electronic Identification – định danh điện tử Việt Nam) trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử.

Phát biểu bế mạc lớp tập huấn ông Lưu Tiến Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT ghi nhận và biểu dương sự tham gia nhiệt tình của tất cả các thầy cô giáo cũng như sự hỗ trợ từ các báo cáo viên lớp tập huấn. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới các cơ sở giáo dục sẽ vận dụng công nghệ AI vào hỗ trợ giảng dạy tại các lớp học, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục và phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh./.

                   Đức Minh – Hoàng Sâm