Vừa làm việc vừa nghe nhạc có tốt hay không?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Khi đã trở thành thói quen, một số người cho rằng, họ càng nghe nhạc nhiều thì càng trở nên tập trung hơn khi làm việc.

Đối với những người thường vừa làm việc, vừa nghe nhạc, hiệu suất công việc phụ thuộc vào việc họ làm và bài hát họ nghe. Nếu nghe đúng, âm nhạc có thể giúp họ có cảm giác tập trung hơn. Tuy nhiên, những ai không nghe đúng thì sao?

(Ảnh: Getty Images)

Nếu công việc của bạn phức tạp và mang tính cấp bách, ví như xử lý một báo cáo quan trọng cần tìm nhiều thông tin, thực hiện phân tích, cần chọn từ ngữ cẩn thận…, bạn nên tắt nhạc và chỉ tập trung vào công việc.

Nhiều nghiên cứu về năng suất và âm nhạc đã chỉ ra rằng, nghe nhạc thường làm giảm năng suất khi hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp.

Theo đó, các nhiệm vụ phức tạp hoặc khó khăn thường đòi hỏi nhiều nguồn lực tập trung để hoàn thành. Lúc này, nếu bạn vừa nghe nhạc vừa làm việc, điều đó giống với việc bạn đang làm hai việc cùng một lúc và hiệu quả công việc đương nhiên sẽ bị giảm sút.

Nếu công việc quá phức tạp, cần giải quyết gấp, bạn có thể đeo tai nghe nhưng không nghe gì cả. Đây được cho là cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất.

Tuy không nên thưởng thức âm nhạc khi làm những việc quan trọng nhưng đối với những công việc bình thường hàng ngày, bạn có thể lựa chọn những bài nhạc phù hợp để nghe trong khi làm việc.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nghe nhạc thực sự có thể cải thiện hiệu suất trong các nhiệm vụ đơn giản. Nhiều người cảm thấy âm nhạc có thể tăng tốc độ chuyển động của họ. Các bài hát có nhịp độ nhanh có thể khiến việc chạy trở nên thú vị hơn. Do đó, nếu công việc đã trở nên quen thuộc, lặp đi lặp lại và dễ làm, âm nhạc có thể hỗ trợ tăng năng suất.

Trên thực tế, nhiều nhà quản lý đã sớm chú ý đến điều này. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, để cải thiện hiệu suất làm việc của các công nhân, đài BBC đã phát sóng riêng hẳn một chương trình âm nhạc có tên “Music While You Work” cho hàng triệu công nhân nhà máy Anh mỗi ngày. Trong số đó, hành khúc “Calling All worker” do Eric Coates sáng tác là bản nhạc đặc trưng và được mọi người yêu thích.

Tuy nhiên, chương trình có các yêu cầu khá nghiêm ngặt đối với các bản nhạc được phát. Theo đó, những giai điệu phải được phát với âm lượng ổn định, không quá nhanh cũng không quá chậm. Tất cả các giai điệu ngẫu nhiên ví dụ như nhạc jazz, đều bị cấm. Bên cạnh đó, tất cả các giai điệu khiến người ta muốn chậm lại, lười biếng… cũng bị cấm. Những bài hát có nhịp điệu quá rõ ràng cũng bị cấm vì nó khiến người ta muốn nhảy theo.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được cân nhắc. Điển hình như bài hát “Deep in the Heart of Texas” đã bị loại khỏi danh sách phát vì chứa một đoạn nhạc vỗ tay. Điều này khiến các công nhân thường vô thức làm theo bằng cách gõ cờ lê vào máy.

Nghiên cứu vào thời điểm đó cho thấy, bằng cách sử dụng âm nhạc để loại bỏ sự mệt mỏi và buồn chán do công việc lặp đi lặp lại, hiệu quả công việc của người lao động đã tăng từ 6,2% đến 11,3%. Nghiên cứu đã được Hội đồng Nghiên cứu Sức khỏe công nghiệp Vương quốc Anh, Hiệp hội Phúc lợi công nghiệp và Hiệp hội Tâm lý công nghiệp quốc gia Anh công nhận và quảng bá vì tính đột phá của nó.