Giao ban Chuyên trách công tác Giáo dục Thường xuyên và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm học 2017 – 2018

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sáng 28-11-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giao ban Chuyên trách công tác Giáo dục Thường xuyên và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm học 2017 – 2018. Tham dự có ông Bùi Hữu Thành Cát – Phó Giám đốc Sở; lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở; lãnh đạo các Phòng GDĐT.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020, đề án chuẩn Quốc gia phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đến nay, 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99%; tỷ lệ trẻ 6 tuổi đi học Tiểu học đúng độ tuổi đạt 99,6%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 99,3%; 100% huyện, thị xã, thành phố có trường phổ thông dân tộc nội trú; 100% huyện, thị xã, thành phố có trung tâm học tập cộng đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung, giải pháp trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018: duy trì việc đạt chuẩn Quốc gia phổ cập giáo dục từ Mầm non đến trung học cơ sở theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 07/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện xã hội hóa giáo dục, xây dựng các mô hình học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội góp phấn nâng cao dân trí; nâng cao đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các mức độ 2, mức độ 3 theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT; tiến hành công nhận lại phổ cập giáo dục từ Mầm non đến THCS và công tác xóa mù chữ.

HN12
Ông Bùi Hữu Thành Cát – Phó Giám đốc Sở phát biểu

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Bùi Hữu Thành Cát – Phó Giám đốc Sở, chủ trì đã nhấn mạnh: Thứ nhất, việc thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập cần tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tham mưu chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo và triển khai hoạt động xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời ở cấp xã, phường; các phòng GDĐT chủ động phối hợp với Hội khuyến học, các tổ chức đoàn thể triển khai đánh giá thực tế hoạt động tại các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thứ hai, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cần đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hoàn thành chương trình về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, chú trọng đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới; tăng cường điều tra, cập nhật đầy đủ số liệu, nắm bắt cụ thể đối tượng cần phổ cập để huy động ra lớp, duy trì và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn bền vững; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; khẩn trương triển khai công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong năm 2017 theo kế hoạch đã đề ra.

Nguyễn Văn Đạt