Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025
Lượt xem:
Ngày 30/8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non.
Tham dự Hội nghị có bà Lê Thị Thanh Xuân – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT; bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám đốc Sở GDĐT; bà Trịnh Thị Hương – Trưởng Ban Tổ chức Trạng Nguyên Tiếng Việt; lãnh đạo, chuyên viên phòng GDTH – GDMN, Sở GDĐT; đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách GDTH-GDMN phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng các trường Tiểu học tiêu biểu các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, lãnh đạo Ban Nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc; Hiệu trưởng các trường Tiểu học có học sinh đoạt giải Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp quốc gia.
Bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc Hội nghị
Năm học 2023-2024 là năm thứ tư triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, 4; là năm thứ hai thực hiện giảng dạy bắt buộc môn Ngoại ngữ, Tin học đối với lớp 3, lớp 4. Các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng chủ động phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo của tổ chuyên môn trong quá trình tổ chức dạy học. Các trường Tiểu học đã tổ chức dạy đủ các môn bắt buộc bằng nhiều hình thức tổ chức và đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Đối với lớp 5, tiếp tục thực hiện CTGDPT 2006 theo định hướng tiếp cận với CTGDPT 2018, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, sẵn sàng thực hiện CTGDPT mới. Đối với giáo dục Mầm non, tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn, gắn với tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non hạnh phúc, an toàn, thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm”.
Ông Nguyễn Văn Chiêu – Trưởng phòng GDTH – GDMN báo cáo tạo Hội nghị
Năm học 2023 – 2024 toàn tỉnh có 368 trường tiểu học và 01 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, với 6.681 lớp, tổng số học sinh cấp tiểu học 198.075 em; học sinh DTTS 83.395 em (42.1%), học sinh nữ DTTS 40.408 em (48,2%). Giáo dục Mầm non, toàn tỉnh có 327 trường mẫu giáo, mầm non, với 3.598 nhóm, lớp; có 97.857 trẻ ra các nhóm, lớp mầm non; 89.573 trẻ mẫu giáo ra nhóm, lớp, đạt tỷ lệ 86,5%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp 37.882 đạt tỷ lệ 99,57%. Những kết quả nổi bật trong năm học vừa qua: 100% cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đảm bảo yêu cầu CTGDPT 2018; 100% cơ sở giáo dục tổ chức dạy học môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 3, lớp 4 đảm bảo các yêu cầu quy định trong CTGDPT 2018 về nội dung và thời lượng. Đối với lớp 1, 2 tổ chức dạy Tiếng Anh, Tin học trên tinh thần tự nguyện tham gia học của học sinh và điều kiện tổ chức của nhà trường; tổ chức dạy tiếng Pháp từ lớp 1, lớp 2 (môn tự chọn) và lớp 3, lớp 4 (môn bắt buộc) đối với 02 trường Tiểu học Lê Hồng Phong, trường Tiểu học Võ Thị Sáu thành phố Buôn Ma Thuột; chương trình và thời lượng thực hiện theo Thông tư số 19/2021/TT-BGDĐT ngày 01/7/2021 của Bộ GDĐT. Đối với lớp 5 các cơ sở giáo dục có cấp tiểu học đã xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc…; 100% trẻ mầm non theo học 2 buổi/ngày; có 3.383 nhóm/lớp tổ chức cho trẻ ăn bán trú, đạt tỷ lệ 95,5%, không có cơ sở GDMN để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường. Các cơ sở GDMN thực hiện hiệu quả công tác chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1. Phối hợp, hỗ trợ cha mẹ trẻ, tạo sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng đi học Tiểu học thuận lợi…
Năm học 2024-2025 Giáo dục Tiểu học quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học với các nội dung trọng tâm đối với cấp Tiểu học: thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn trường học; thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục chủ động, linh hoạt; tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ, Tin học theo CTGDPT cấp tiểu học; tổ chức dạy học môn học Tiếng dân tộc thiểu số hiệu quả; triển kai nội dung giáo dục địa phương theo CTGDPT; tổ chức thực hiện giáo dục STEM; nâng cao hiệu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và phương pháp, hình thức đánh giá; thực hiện chương trình liên kết, có yếu tố nước ngoài; thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục…Đối với Mầm non: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước đối với GDMN và việc quản lý trong cơ sở GDMN; đẩy mạnh phân cấp, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình trong quản lý các hoạt động giáo dục trong cơ sở GDMN; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm thực hiện Chương trình GDMN mới; đẩy mạnh công tác rà soát sắp xếp trường lớp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDMN theo quy định, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non; thực hiện các giải pháp huy động trẻ đến trường, lớp mầm non hướng đến thực hiện phổ cập GDMN trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi; nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới…
Đại biểu Nguyễn Hữu Thọ – Phó Trưởng phòng GDĐT thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ về công tác chuyển đổi số của đơn vịĐại biểu Trần Văn Hải – Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Ea Súp chia sẻ về những khó khăn về giáo dục học sinh dân tộc tại huyện biên giớiĐại biểu Nguyễn Đình Long – Hiệu Trưởng trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ về công tác giáo dục ngoài công lậpĐại biểu Phạm Thị Tuyết – Giám đốc Trung tâm HTPTGDHN trẻ khuyết tật chia sẻ về công tác giáo dục học sinh khuyết tật
Tại Hội nghị bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám đốc Sở GDĐT đã thay mặt Sở GDĐT trao đổi, giải đáp các ý kiến của đại biểu liên quan đến các vấn đề khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục. Qua đó, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong năm học tới.
Bà Lê Thị Thanh Xuân – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị bà Lê Thị Thanh Xuân – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non đã đạt được; sự góp sức của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự đồng lòng thống nhất tạo nên những thành tích nổi bật đáng tự hào cho sự nghiệp GDĐT cơ bản của tỉnh nhà trong năm học vừa qua. Giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh: Cần bám sát các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Bộ, Tỉnh, của Sở GDĐT để triển khai nhiệm vụ một cách đầy đủ, đồng bộ, hết trách nhiệm; chủ động tham mưu theo phân cấp quản lý về mọi mặt, đặc biệt tích cực chủ động tham mưu công tác tổ chức dạy học của các nhà trường; tăng cường nắm tình hình ở cơ sở, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các phòng GDĐT, các trường về thực hiện công tác chuyên môn; tập trung đánh giá lại việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên những nhiệm vụ cấp bách; chuẩn bị chu đáo đảm bảo các điều kiện cho ngày khai giảng năm học mới, đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông, an ninh trường học, điều kiện thời tiết, phòng chống dịch bệnh; chú trọng động viên khích lệ đội ngũ thầy cô giáo để nâng cao tinh thần tận tâm, trách nhiệm, cống hiến, thực hiện văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, ứng xử với phụ huynh học sinh…; tập trung chỉ đạo quan tâm, hỗ trợ học sinh DTTS, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo điều kiện học tập đúng theo quy định của pháp luật, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, khó khăn vướng mắc ở đâu thì phối hợp tháo gỡ ở đấy; tích cực tham mưu, tăng cường xã hội hóa giáo dục…
Ban Tổ chức Trạng Nguyên Tiếng Việt trao Giấy chứng nhận và kỷ niệm chương cho 15 phòng GDĐT trên địa bàn tỉnhBan Tổ chức Trạng Nguyên Tiếng Việt trao Giấy chứng nhận cho 8 trường Tiểu học có học sinh tham dự thi Đình, cấp quốc gia
Nhân dịp này, Ban tổ chức Trạng Nguyên Tiếng Việt đã trao Giấy chứng nhận và kỷ niệm chương cho 15 phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố và trao Giấy chứng nhận cho 08 trường Tiểu học có thí sinh tham dự thi Đình cấp quốc gia, sân chơi Trạng Nguyên Tiếng Việt gồm các Trường Tiểu học: Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Lắk; Lương Thế Vinh, huyện Buôn Đôn; Tô Hiệu, Nguyễn Khuyến, Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Buôn Ma Thuột; Nguyễn Văn Trỗi, huyện M’ Drak; Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Krông Ana; Lê Lợi, huyện Krông Buk./.
Hoàng Sâm