Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin
Lượt xem:
Sáng ngày 10/10, tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng (QLCL) và công nghệ thông tin (CNTT). Ông Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì Hội nghị. Tham dự có ông Nguyễn Hoàng Chương – Trưởng Phòng QLCL và CNTT; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở; các phòng GD&ĐT và đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Năm học 2022 – 2023 là năm thứ mười ngành GD&ĐT thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong bối cảnh toàn ngành tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức do hậu quả của dịch bệnh COVID-19 để lại, công tác QLCL và CNTT của ngành GD&ĐT tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, việc tổ chức các kỳ thi được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, đơn vị, đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ làm công tác coi thi: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có 21.111 thí sinh đăng ký dự thi, tổng số thí sinh dự thi là 20.960 đạt tỉ lệ 99,61%, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của toàn tỉnh là 96,68%, trong đó có 17 đơn vị có học sinh đỗ tốt nghiệp đạt tỉ lệ 100%. Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia có tổng số 74 học sinh/10 môn tham gia dự thi, kết quả đạt 37 giải (5 giải Nhì; 13 giải Ba; 19 giải khuyến khích). Kỳ thi học sinh giỏi THPT và GDTX cấp tỉnh có 1.149 học sinh tham gia, kết quả đã công nhận 623 học sinh THPT (24 giải Nhất, 105 giải Nhì, 185 giải Ba, 235 giải Khuyến khích, 37 đặc cách giải nhất, 37 đặc cách giải nhì), 15 học sinh GDTX đạt học sinh giỏi cấp tỉnh (02 giải Nhì, 04 giải Ba, 09 giải Khuyến khích)… Ngoài ra Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình khảo sát PISA và SEA-PLM theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia đạt vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến thời điểm 31/5/2023, tổng số trường được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục là 711/1021 trường (đạt tỷ lệ 69,64%); tổng số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 591/1021 trường (đạt tỷ lệ 57,88%).
Việc ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục được tăng cường, đẩy mạnh, đã đưa vào sử dụng phần mềm dinh dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non; các phần mềm quản lý học trực tuyến và trực tiếp đã được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả…
Ông Phạm Văn Ninh – Phó trưởng phòng QLCL –CNTT báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLCL và CNTT cũng còn một số hạn chế: hạ tầng CNTT còn thiếu, đặc biệt là ở các đơn vị thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên còn hạn chế, cán bộ phụ trách CNTT còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác; kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị CNTT và các phần mềm hỗ trợ dạy học còn thiếu…
Hội nghị đã xác định 11 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo chỉ đạo của Bộ GDĐT theo hướng giữ ổn định cơ bản như năm 2023; tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi lập các đội tuyển học sinh giỏi các cấp; triển khai có hiệu quả công tác KĐCLGD và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục; thực hiện công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ đúng quy định; thực hiện hiệu quả quy chế công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của ngành Giáo dục”; tiếp tục triển khai có hiệu quả Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/03/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; triển khai nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tới 100% trường học, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành; tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, với sự định hướng, điều hành của ông Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GD&DT, các đại biểu đã dành thời gian báo cáo tham luận, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong hoạt động dạy học tại các cơ sở giáo dục trong thời gian qua và thời điểm hiện tại; nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới.
Ông Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GD&DT phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh những kết quả đáng khích lệ của toàn ngành trong năm học 2022-2023 Triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, trong bối cảnh mới có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, mong rằng, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo trong công tác giảng dạy; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy học; duy trì và phát huy chất lượng giáo dục toàn diện để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.
Hoàng Sâm