Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019

Lượt xem:

Đọc bài viết

Toàn cảnh  Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Sáng 02/8/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ GDĐT đặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo một số trường đại học; một số chuyên gia, nhà khoa học. Tham dự về phía Bộ GDĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tham dự  Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk ông Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng các trường ĐH, hiệu trưởng các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn tỉnh. Về phía ngành GDĐT tỉnh, tham dự có ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GDĐT, các Phó Giám đốc: Bùi Hữu Thành Cát, Lê Thị Thanh Xuân, Thái Văn Tài; lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở GDĐT cùng đại diện lãnh đạo phòng GDĐT huyện, thị xã, thành phố.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh chụp màn hình)

Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014, Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đã nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 05 nhóm giải pháp cơ bản của ngành và đạt được một số kết quả nổi bật.

Mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh; mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định  từng bước được rà soát, sắp xếp hợp lý. Ngành Giáo dục đã ban hành kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân được điều chỉnh. Công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để trong công tác quản lý và giảng dạy. Thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; cắt giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực đối với giáo viên, học sinh… Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác GDĐT còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế như: việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương chưa phù hợp; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu; công tác xã hội hóa giáo dục chưa thực sự hiệu quả; chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều ở các vùng, miền; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp so với yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường  chưa tìm được việc làm còn nhiều; công tác tổ chức Kỳ thi THPTQG năm 2018 còn một số hạn chế, thiếu sót.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

 

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị, chỉ đạo của TTgCP về GDĐT; quán triệt địa phương thực hiện tốt Chỉ thị năm học 2018-2019 của ngành Giáo dục. Tập trung chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận. Thực hiện cơ chế, chính sách phát triển trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất; nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra đánh giá, nhất là trong kỳ thi THPT Quốc gia. Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường Phổ thông. Đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.