Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở trường PTDTNT Buôn Đôn

Lượt xem:

Đọc bài viết

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2005.
Biểu diễn cồng chiêng trong hội diễn văn nghệ kỉ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Biểu diễn cồng chiêng trong hội diễn văn nghệ kỉ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
       Hơn 10 năm qua, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, không gian văn hoá cồng chiêng đã có những bước tiến dài trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của nó. Với các yếu tố, bộ phận cấu thành như cồng chiêng, các bản nhạc diễn tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức lễ hội thì Buôn Đôn là một trong những nơi mà không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được bảo tồn và phát huy khá rõ nét trong Lễ hội truyền thống văn hoá các dân tộc huyện Buôn Đôn tổ chức 2 năm một lần.

DTNT BD 2
Buổi tập luyện đầu tiên

Trường PTDTNT huyện Buôn Đôn với nhiệm vụ giáo dục, chăm nuôi học sinh dân tộc, tạo nguồn cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số cho địa phương. Bên cạnh đó, trường còn là nơi bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số trên địa bàn của huyện, trong đó có không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là một trong những hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được nhà trường tổ chức cho các em. Hoạt động diễn tấu cồng chiêng được tổ chức hàng tuần là nơi gặp gỡ, giao lưu, là nơi phát hiện tài năng, năng khiếu của các học sinh dân tộc thiểu số trong nhà trường. Tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo để các em chính là chủ nhân thực sự của không gian văn hoá cồng chiêng.
Tuy nhiên, để không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được tiếp tục bảo tồn và phát triển như kỳ vọng của tổ chức UNESCO, cần phải có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, ngân sách tài chính của các cấp các ngành, đặc biệt là Ngành Giáo dục và Đào tạo, để các trường PTDTNT nói chung và trường PTDTNT huyện Buôn Đôn nói riêng có điều kiện lưu giữ cho ngàn đời sau nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại này./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Phùng Hiền – Trường PTDTNT Buôn Đôn