Tập huấn các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số

Lượt xem:

Đọc bài viết

Thực hiện Quyết định số 920/QĐ-UBND ngày 14  tháng 4  năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành Kế hoạch “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”, từ ngày 20-24/5/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên dạy dạy lớp 1 thuộc các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vùng khó khăn của huyện Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk.

Trước khi vào lớp 1, đa số trẻ em người DTTS chỉ được giao tiếp bằng tiếng Việt trong phạm vi trường mầm non. Những nơi thường xuyên sử dụng tiếng Việt như khu vui chơi, nơi mua bán… các em người DTTS vùng khó khăn chưa có cơ hội tham gia thường xuyên. Vì vậy học sinh DTTS ở lớp 1 khả năng nghe, nói hạn chế, việc giao tiếp giữa thầy và trò diễn ra không thuận lợi.

Nhằm giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn trên, lớp tập huấn tiếp tục bồi dưỡng các phương pháp tăng cường kĩ năng nghe- nói cho học sinh lớp1 qua các dạng bài Nói từ và mẫu câu; Đọc thơ; Kế chuyện theo tài liệu Em nói tiếng Việt (Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số); hướng dẫn xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt trong trường, lớp học; tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” thông qua các hoạt động: đọc thơ, kể chuyện, múa hát, viết chữ đẹp, hùng biện…nhằm tạo cơ hội cho trẻ được giao tiếp tiếng Việt thường xuyên.

Đối với học sinh tiểu học, có đọc thông viết thạo tiếng Việt mới có cơ hội học tốt các môn học khác. Trong thời gian tới, bằng sự sáng tạo, các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh người DTTS thường xuyên giao tiếp với con em bằng tiếng Việt; huy động giáo viên, nhân viên tham gia hỗ trợ tiếng Việt cho học sinh DTTS; chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1… vận dụng linh hoạt dạy học gắn với các hoạt động vui chơi sẽ giúp các em học sinh tiếp cận môn Tiếng Việt một cách nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Cô Trần Thị Ái, giáo viên trường tiểu học Đam San, huyện Ea H’leo dạy thực hành luyện nói tiếng Việt cho học sinh lớp 1 người DTTS

Giáo viên tập huấn phương pháp tổ chức các hoạt động khởi động cho học sinh lớp 1

Giáo viên dạy lớp 1 huyện Krông Năng tham dự tập huấn

Ngọc Hoa