Tin nhắn SMS tròn 30 tuổi và đã thay đổi mãi mãi cách con người giao tiếp
Lượt xem:
Tin nhắn SMS đã từng là một phần quan trọng của đại đa số người dùng điện thoại trên thế giới, hiện tại công nghệ này đã tròn 30 tuổi.
SMS đã tròn 30 tuổi vào đầu tháng 12 vừa qua. Công nghệ quen thuộc này từng là thanh xuân của những người thuộc thế hệ 8x, 9x, VÀ cũng là một trong những cách liên lạc phổ biến nhất từ trước đến nay của những người sử dụng điện thoại di động trên toàn thế giới.
Vào ngày 3/12/1992, sự ra đời của SMS (Short Message Service) bắt đầu với một tin nhắn thử nghiệm dài 16 ký tự có nội dung “Merry Christmas”, được gửi đi bởi Neil Papworth, một lập trình viên về công nghệ nhắn tin di động. Và hơn một thập kỷ sau đó, giao thức liên lạc này đã trở nên cực kỳ phổ biến và càn quét qua mọi tầng lớp người dùng.
Tin nhắn SMS từng rất phổ biến và được giới trẻ thời trước yêu thích.
Khi nói về SMS, chắc chắn phải gửi lời tri ân đến Blackberry vì những chiếc điện thoại với bàn phím QWERTY vật lý đã đẩy mạnh sự phổ biến của việc giao tiếp bằng tin nhắn. Chẳng hạn, vào nhiều năm trước, những người thuộc thế hệ Gen Y (trong đó có cả nhân vật đình đám như Paris Hilton) luôn mang theo BlackBerry hoặc các điện thoại có bàn phím vật lý khác bên mình như một chiếc bùa hộ mệnh.
Giờ đây, sau ba thập kỷ trôi qua, tin nhắn SMS dường như đã thay đổi mãi mãi cách giao tiếp của con người. Một nghiên cứu gần đây của Infobip nhân dịp kỷ niệm SMS 30 tuổi đã phát hiện ra một số chi tiết thú vị về cách SMS đã thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Giới trẻ thích nhắn tin hơn gọi điện
Theo đó, các cuộc gọi điện thoại truyền thống đã bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Với 1.000 người Mỹ được khảo sát chỉ có 24% vẫn thích các cuộc gọi thoại hơn là nhắn tin bằng SMS hoặc các dịch vụ nhắn tin tức thì hiện đại (41%). Đặc biệt là những người trẻ thậm chí còn ít có xu hướng nhận cuộc gọi hơn, với 53% thế hệ Gen Y và 48% thế hệ Gen Z đều thích nhắn tin. Đây cũng là nguyên nhân của việc các bậc phụ huynh ít nhận được cuộc gọi từ con cái của họ hơn.
Ngoài ra, SMS cũng tạo ra một thói quen vô cùng tiêu cực đó là vừa nhắn tin trong lúc lái xe. Khảo sát của Infobip cho thấy con số đáng báo động là 52% thế hệ Gen Y thừa nhận rằng họ thường xuyên vừa trò chuyện qua tin nhắn vừa lái xe.
Những cảm xúc đồng hành với SMS
Những tin nhắn đến và đi hầu như ở khắp mọi nơi hiện nay là một di sản để lại từ thời SMS. Việc cảm xúc của người gửi chứa đựng trong tin nhắn cũng là một chủ đề được Infobip đưa ra khảo sát, thú vị là có tới 45% số người được hỏi thừa nhận rằng đã nhắn tin khi say rượu và sau đó là vô cùng xấu hổ về những gì bản thân đã bộc bạch qua SMS (hoặc các dịch vụ nhắn tin tức thì) trong lúc say.
Tin nhắn cũng là thứ chắp cánh cho những mối tình thay cho những lá thư tay của thế hệ trước. Có thể nói, SMS là ngôn ngữ tình yêu của Gen Y vì sự tiện lợi của nó. Những người thuộc thế hệ 8x và 9x đời đầu ở Việt Nam chắc không xa lạ với việc đăng ký gói khuyến mãi hàng nghìn tin nhắn SMS của các nhà mạng để trò chuyện thâu đêm với người trong mộng, dù cả hai có cách xa hàng nghìn cây số thì tin nhắn SMS đã rút ngắn khoảng cách giữa các cặp đôi.
Khi nói về cuộc khảo sát của Infobip, hơn 25% nam giới cho biết họ bị bỏ rơi qua tin nhắn, còn phụ nữ là 19%. Điều này cũng cho thấy, SMS rất thuận tiện để kết nối mọi người, nhưng cũng vô cùng khiến họ cắt đứt liên lạc với người khác. Đó cũng là những điều đáng hoài niệm về những năm tháng đầy lãng mạn, hạnh phúc và buồn bã gắn liền với công nghệ SMS trong 30 năm qua.
Đương nhiên là thứ gì đó đã ăn sâu vào văn hóa của chúng ta cũng sẽ trở thành thứ bản năng mới, khi có tới 63% người dùng Gen Y cho biết đã gửi tin nhắn như một cách để có thể bộc bạch cảm xúc hay giải thích về một điều gì đó.
Có thể lập luận rằng nhắn tin SMS đã có tác động lớn hơn đến cuộc sống của chúng ta so với điện thoại thông minh và mạng xã hội. Chắc chắn, chúng ta luôn sử dụng điện thoại đi kèm với sức hút từ mạng xã hội, nhưng câu hỏi đặt ra chúng ta sẽ làm điều gì nhiều nhất trên điện thoại? Khi muốn liên lạc với bạn bè, gia đình hoặc người yêu, bạn sẽ nhắn tin cho họ phải không?