TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NĂM HỌC 2024-2025

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sáng ngày 26/9/2024, tại trường THPT chuyên Nguyễn Du, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với Quản lý chất lượng (QLCL) và công nghệ thông tin (CNTT). Tham dự có bà Lê Thị Thanh Xuân – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT; ông Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GDĐT; ông Lưu Tiến Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục; lãnh đạo, chuyên viên phòng QLCL-CNTT; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở GDĐT; đại diện lãnh đạo các phòng GDĐT; cán bộ phụ trách công tác trường chuẩn quốc gia và cán bộ phụ trách CNTT các phòng GDĐT; lãnh đạo, cán bộ phụ trách phần mềm quản lý thi và cán bộ tư vấn tuyển sinh các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm GDTX tỉnh, trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố.

Bà Lê Thị Thanh Xuân – Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc Hội nghị

 Phát biểu khai mạc bà Lê Thị Thanh Xuân – Giám đốc Sở GDĐT đánh giá những kết quả, thành tích nổi bật ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đạt được trong năm học 2023-2024 như: Chất lượng GDĐT có bước tiến bộ, chất lượng mũi nhọn tiếp tục được giữ vững và nâng cao; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng so với năm học trước, kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu, việc ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý đã thực chất và hiệu quả hơn… Để có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, sự phối hợp của các cơ quan tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các bậc cha mẹ học sinh, sự nỗ lực của các thầy cô giáo và các em học sinh.

Ông Nguyễn Hoàng Chương- Trưởng phòng QLCL-CNTT báo cáo tổng kết công tác QLCL và CNTT năm học 2023-2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025

 Theo báo cáo tại Hội nghị, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GDĐT và UBND tỉnh Đắk Lắk; sự quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, sự đồng lòng của Nhân dân… đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tổng số thí sinh đăng ký dự là 20.934, trong đó số thí sinh tự do là 929; số thí sinh đang học lớp 12 trong năm tổ chức thi là 20.005 (THPT: 18.714 thí sinh, GDTX: 1.291 thí sinh); Tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024 chung của toàn tỉnh Đắk Lắk đạt tỉ lệ 98.36% (tăng 1,68% so với năm 2023), trong đó THPT đạt tỉ lệ 99,16% (tăng 1.21% so với năm 2023); GDTX đạt tỉ lệ 92.06% 85,68% (tăng 6,38% so với năm 2023); Toàn tỉnh có 21 trường có tỉ lệ học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp đạt 100%.

Về công tác kiểm định chất lượng giáo dục: Tính đến ngày 31/5/2024, tổng số trường trong toàn tỉnh được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục là 779/1021 trường (tỷ lệ 76,30%). Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 60,92% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Việc ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục được tăng cường, đẩy mạnh, đã đưa vào sử dụng phần mềm dinh dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non; các phần mềm quản lý học trực tuyến và trực tiếp đã được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả…; Sở GDĐT phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng cổng tiếp nhận kho học liệu số, đông thời đã kết nối với kho học bạ số của Bộ GDĐT kịp thời theo kế hoạch của Bộ GDĐT. Hiện nay cấp tiểu học đã thực hiện kết nối học bạ số thành công trên 65%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLCL và CNTT cũng còn một số hạn chế: Hạ tầng CNTT còn thiếu, máy vi tính lạc hậu, đặc biệt là ở các đơn vị thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; năng lực ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của CNTT; phí của một số dịch vụ CNTT còn cao, chưa phù hợp với điều kiện ngân sách hạn hẹp của các nhà trường; kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị CNTT và các sản phẩm phần mềm hỗ trợ dạy và học còn thiếu; công tác triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số chưa thường xuyên…

Hội nghị đã xác định 11 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024-2025: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chỉ đạo của Bộ GDĐT theo chương trình GDPT năm 2018. Tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi: tuyển sinh vào lớp 10, lập các đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia, chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Triển khai có hiệu quả công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2024- 2025. Tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ và công tác về bảo quản, lưu giữ, sử dụng, cấp phát bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đúng quy định. Triển khai có hiệu quả công tác thực hiện quy chế công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng giáo dục các cấp. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của ngành Giáo dục”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/03/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Triển khai nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tới 100% trường học. Tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành thời gian báo cáo tham luận, thảo luận, đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong hoạt động dạy học tại các cơ sở giáo dục trong thời gian qua và thời điểm hiện tại; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Lê Thị Thanh Xuân – Giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh vai trò của công tác QLCL-CTTT trong ngành GDĐT. Về quản lý chất lượng, cần xây dựng và phát huy vai trò tương hỗ của phòng QLCL-CNTT và các phòng chuyên môn trực thuộc sở; cần tham mưu xây dựng quy chế hoạt động của hội đồng bộ môn cấp tỉnh đối với cấp THCS, THPT; cần triển khai đồng bộ và hiệu quả các hoạt động quản lý chất lượng giáo dục. Về công nghệ thông tin, bà Lê Thị Thanh Xuân nhấn mạnh lĩnh vực giáo dục là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số vì vậy cần quan tâm, cần có sự phối hợp của nhiều ngành nhằm phát triển hạ tầng số, nhân lực số, giải pháp số…. Chuyển đổi số là quá trình tất yếu trong thời đại kỷ nguyên số đang phát triển như vũ bão. Rất cần sự quan tâm, kiên trì thay đổi cách tư duy, phải chọn việc có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện. Với đặc thù ngành Giáo dục có quy mô lớn, nhiều khó khăn thách thức yêu cầu nhiệm vụ hiện tại và trước mắt chưa bao giờ là dễ dàng nên rất cần sự huy động trí tuệ, kinh nghiệm, quyết tâm, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này. Cần bắt đầu từ sự thay đổi về tư tưởng nhận thức và phải vượt qua chướng ngại, phải dám nghĩ dám làm./.

                                                                                             Phương Linh