Học sinh Đắk Lắk vui sáng tạo, thỏa đam mê cùng giáo dục STEM
Lượt xem:
Giáo dục STEM mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, giúp học sinh ở các địa phương tại Đắk Lắk hiện thực hóa giấc mơ khoa học.
TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk phát biểu tại Ngày hội STEM cấp tỉnh
Từ mạch kiến thức được học ở môn Tự nhiên Xã hội, 2 em Trần Châu Anh và Nguyễn Thành Vinh (lớp 3D, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, huyện Krông Pắc) đã tìm tòi, chế tạo sản phẩm “Thùng rác thân thiện”.
Châu Anh và Thành Vinh bên sản phẩm STEM dự Ngày hội cấp tỉnh
Thùng rác này được làm từ những vật liệu tái chế với 3 ngăn chứa giúp người dùng phân loại rác dễ dàng. Bên cạnh việc lắp bánh xe, ở ngoài mỗi ngăn được sơn 1 màu khác nhau, tạo ấn tượng khi để trong nhà.
Châu Anh và Thành Vinh vui mừng cho biết, qua các tiết học ở môn Tự nhiên Xã hội, chúng em thấy môi trường sống của con người và các loài động thực vật đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác thải.
“Rác thải gây ô nhiễm môi trường, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn đe dọa đến sự đa dạng sinh học và làm suy giảm đi chất lượng của cuộc sống”, Châu Anh nêu lí do chế tạo sản phẩm STEM để dự thi.
Được biết, để tạo ra sản phẩm, 2 em đã vận dụng các kiến thức đã được học như, môn Toán: bài một phần mấy, điểm ở giữa, hình học và đo lường; môn Mỹ thuật: phối màu cắt, vẽ, dán, trang trí; môn Hoạt động trải nghiệm: thực hành bảo vệ môi trường.
Một sản phẩm STEM của học sinh huyện Cư M’gar tham dự Ngày hội cấp tỉnh.
Trong khi đó, 2 em Lý Hoàng Luyến và Lương Thiên Phước (lớp 5A2, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, huyện Cư Mgar) lại vui mừng và tự hào khi tạo ra 1 sản phẩm giúp ích trong học tập.
Theo đó, sản phẩm STEM “Xây dựng phần mềm học tập với Scratch” của Luyến và Phước là kết quả của quá trình vận dụng kiến thức các môn học tích hợp như Khoa học, Toán, Mỹ thuật.
Cô Sen cùng 2 học sinh bên sản phẩm STEM tham dự Ngày hội cấp tỉnh.
Theo cô Hồ Thị Sen (giáo viên hướng dẫn Luyến và Phước), Ưu điểm của phần mềm Scratch là có thể cài đặt, sử dụng độc lập trên điện thoại, máy tính. Từ đó, giúp học sinh chủ động học tập, nâng cao kiến thức, phát triển kĩ năng lập trình.
“Sau khi hoàn thành sản phẩm, chúng em nắm thêm kiến thức lập trình phần mềm Scratch, kỹ năng thực hành. Em và các bạn thỏa chí sáng tạo, đam mê với môn Tin học. Hơn nữa, phần mềm của các em có thể hỗ trợ cho bài giảng của thầy cô thêm sinh động thông qua các hiệu ứng, giúp học sinh dễ hiểu bài. Điều đặc biệt, khi tham gia STEM, chúng em có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện, kỹ năng phân tích, tổng hợp … đây là những điều quan trọng cho việc học và cuộc sống sau này”, Hoàng Luyến nói.
Một sản phẩm STEM (của học sinh TP Buôn Ma Thuột) ứng dụng kiến thức hình học, tin học, công nghệ, mỹ thuật.
Theo TS Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai giáo dục STEM từ tiểu học đến các trường trung học và đã đạt được những kết quả tích cực.
Khi dạy các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM, thầy cô sử dụng mạch kiến thức tích hợp liên môn mang lại hứng thú học tập cho học sinh. Kết quả, tỉnh đã tổ chức Ngày hội STEM lần thứ 2 cấp tỉnh với 131 sản phẩm của 269 học sinh đến từ 128 trường tiểu học, THCS trên địa bàn.
Ngày hội STEM cấp tiểu học và THCS tỉnh Đắk Lắk lần thứ II, năm 2024 với chủ đề “Giáo dục STEM – Vui sáng tạo, thỏa đam mê” được tổ chức từ ngày 28-29/2/2024 tại huyện Krông Pắc gồm các hoạt động chính: tổ chức 4 tiết dạy học theo chủ đề STEM ở 2 cấp học tiểu học và THCS; trưng bày và giới thiệu 131 sản phẩm STEM và Hội thảo về giáo dục STEM trong trường tiểu học và THCS với chủ đề “Tổ chức hoạt động giáo dục STEM đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong nhà trường”.
THÀNH TÂM