Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 – 2017

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sáng 14-1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 – 2017 khối Sở GD&ĐT.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Công đoàn giáo dục Việt Nam; các cục, vụ, viện, văn phòng Bộ GD&ĐT; đại diện các trường đại học sư phạm, các khoa sư phạm và lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT trong cả nước.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì hội nghị.
Học kỳ I năm học 2016 – 2017, các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục nghiêm túc, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn để sử dụng hiệu quả phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.
Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp cũng như rà soát đội ngũ, bố trí sắp xếp để đảm bảo về số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên đã được các địa phương triển khai tích cực trong học kỳ I vừa qua. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh được quan tâm. Các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục các cấp, xây dựng trường chuẩn quốc gia đều có sự phát triển.
Học kỳ I cũng tiếp tục ghi nhận những chuyển biến trong việc đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá của toàn ngành Giáo dục. Trong đó, quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học thay thế Thông tư 30 được triển khai ngay cuối học kỳ I đã tạo ra động lực cho các thầy cô giáo, niềm tin cho dư luận xã hội về đổi mới dựa trên tinh thần nhân văn.
Phương án thi THPT năm 2017 được công bố ngay đầu năm học đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Học kỳ I là thời gian để các trường THPT tiếp cận và chủ động triển khai dạy học, ôn tập theo phương án thi mới. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán của các sở giáo dục và đào tạo và 10 trường đại học sư phạm về hướng dẫn việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp theo quy trình ra đề chuẩn hóa và đang tiếp tục hỗ trợ việc tập huấn của các địa phương thông qua trang mạng “Trường học kết nối”.
Cũng trong học kỳ I, ngành Giáo dục đã tập trung nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Tiếp tục triển khai thí điểm mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương, mô hình phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường THCS, THPT đào tạo kỹ năng nghề trong chương trình hướng nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, học kỳ I năm học 2016 – 2017 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Việc thực hiện chương trình còn thiếu linh hoạt; một số trường chưa thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục quy định; tình trạng chạy trường, chạy lớp, nhất là ở các thành phố lớn chưa được khắc phục triệt để; hiện tượng dạy thêm, học thêm sai quy định; hiện tượng học sinh vi phạm đạo đức, đánh nhau; tình trạng ”lạm thu” đầu năm học; giáo viên xử lý sai phạm của học sinh bằng kỷ luật không tích cực… chưa được xử lý dứt điểm, gây dư luận không tốt trong xã hội. Việc dự báo, nắm bắt và xử lý thông tin, nhất là những thông tin trái chiều từ dư luận xã hội ở một số địa phương chưa chủ động và kịp thời.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương trong triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng như những kết quả trong học kỳ I năm học 2016 – 2017.
Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc triển khai Nghị quyết 29 ở Khánh Hòa rất hiệu quả, đến nay, tỉnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho các cấp học từ mầm non đến THPT. Cũng quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2016, Sở đã tham mưu cho tỉnh thực hiện xóa phòng học tranh tre nứa lá và xây dựng các nhà nội trú cho học sinh bán trú. Các địa phương cũng mong muốn, Bộ sẽ quan tâm hơn nữa tới đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, nhất là cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

SK 2
Quang cảnh Hội nghị sơ kết học kỳ I.

Chia sẻ về những kinh nghiệm của địa phương trong triển khai thí điểm các mô hình mới trong giáo dục toàn diện, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, hiện tại, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đang triển khai thí điểm đưa các môn thể thao vào nhà trường (cầu lông, bóng đá, bơi, bóng bàn…) nhằm sử dụng cơ sở trường học như một hạ tầng của xã hội. Thời gian tới, các trường học ở Đà Nẵng cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động thể thao, mỗi trường học ít nhất có 2 câu lạc bộ thể dục thể thao hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, các ý kiến thảo luận còn tập trung vào vấn đề điều chuyển giáo viên tại địa phương; công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao việc triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành trong năm học 2016 – 2017. Trong đó, sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ và các địa phương trong chỉ đạo triển khai thay đổi một số văn bản điều hành như Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học, sắp xếp hợp lý các mô hình giáo dục mới như VNEN đã tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tốt.
Bộ trưởng cũng ghi nhận vai trò của việc trao đổi thông tin giữa Sở với Bộ trong thời gian vừa qua, thể hiện qua 7 cuộc làm việc của Bộ trưởng với các địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định) để nắm bắt tình hình cũng như có những chỉ đạo kịp thời với ngành giáo dục từng địa phương. Từ kết luận của các cuộc làm việc, các Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ để triển khai mang lại hiệu quả trong thực tiễn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, công tác trao đổi thông tin giữa Bộ và Sở đáng ra phải làm được tốt hơn nữa, vẫn còn những địa phương chưa báo cáo kịp thời tình hình tại cơ sở, hầu hết các vấn đề hiện nay Bộ trưởng được biết là qua báo chí.
“Thời gian tới, khâu phát hiện vấn đề để đề xuất với Bộ trưởng phải được các địa phương làm tốt hơn. Việc trao đổi thông tin, cập nhật thông tin phải thông suốt, từ các sở lan tỏa xuống các phòng, các nhà trường, giáo viên. Phải coi những vấn đề cử tri đặt ta cho Bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua là vấn đề chung của các sở để cùng tìm ra câu trả lời. Khi nhìn rõ trách nhiệm của ngành, cầu thị, có giải pháp hợp lý sẽ giải quyết được” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

SK 3
Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng ghi nhận vai trò của việc trao đổi thông tin giữa Sở với Bộ trong thời gian vừa qua, thể hiện qua 7 cuộc làm việc của Bộ trưởng với các địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định).

Về nhiệm vụ đặt ra cho học kỳ II năm học 2016 – 2017, Bộ trưởng đề nghị các sở tiếp tục bám sát 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp theo chỉ thị năm học, khắc phục ngay những hạn chế và nhân rộng những điển hình tiên tiến, mô hình tốt tại các địa phương. Những vấn đề phát sinh phải kịp thời báo cáo bằng văn bản, bằng điện thoại, bằng email cho các vụ, cục, đơn vị chuyên môn hoặc trực tiếp Bộ trưởng để có hướng giải quyết.
Đối với đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng đề nghị cần quan tâm sâu hơn nữa. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo xây dựng chuẩn giáo viên và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, gắn kết các trường sư phạm với các sở thành một chuỗi. Chương trình đào tạo sư phạm các cấp tiến tới một chương trình thống nhất chuẩn. Các trường sư phạm phải bám vào chương trình này để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại cho phù hợp.
“Chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, cần phải cân đối thừa thiếu, có lộ trình thích hợp gắn với chuyển đổi chương trình, sách giáo khoa mới, điều kiện trường lớp, thiết bị kèm theo, để dự báo cho chính quyền trong thời gian tới để có kế hoạch đầu tư” – Bộ trưởng nêu rõ.
Năm 2017, theo Bộ trưởng cũng sẽ tập trung cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, trước hết là cấp giám đốc sở và phó giám đốc sở, để từng bước nâng cao kỹ năng điều hành cho các thầy cô đứng đầu ngành giáo dục địa phương.
Về một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong học kỳ II là thi và đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Bộ trưởng yêu cầu, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với các vụ, cục liên quan xây dựng các hướng dẫn chi tiết cả về kế hoạch cũng như nội dung từng công việc, nghiệp vụ để các địa phương nắm rõ để có thể trả lời dư luận, tránh không rõ dẫn đến sai lệch. Mục đích để kỳ thi thực hiện khách quan, công bằng, gọn nhẹ và hiệu quả.

Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 – 2017 khối Sở GD&ĐT, đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã trình bày báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017  trong đó đề nghị các Sở GD&ĐT triển khai tổ chức dạy học, ôn tập theo chỉ đạo, không cắt xén chương trình; đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên định kỳ, chính xác, khách qua. Đồng thời sớm hình thành đội ngũ chuyên gia ở các sở, chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc chấm thi và đặc biệt đẩy mạnh công tác truyền thông về kỳ thi tại các địa phương trong cả nước.
Nguồn: moet.gov.vn